Lượt xem: 1806

Nguyễn Hùng Phước và con đường mang tên anh tại thành phố Sóc Trăng

Đồng chí  Nguyễn Hùng Phước - người lãnh đạo đơn vị Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Sóc Trăng[1] đầy mưu trí, dũng cảm, đã lập nhiều chiến công hiển hách trong công tác diệt tề, trừ gian, có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng. Đồng chí vinh dự được Bác Hồ gửi tặng khẩu súng Thompson... Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Sóc Trăng rất đỗi tự hào về đồng chí Nguyễn Hùng Phước, còn bọn địch kinh hoàng khiếp sợ, gọi Nguyễn Hùng Phước là Hùm xám miền Tây. Nguyễn Hùng Phước hy sinh khi tài năng đang rộ nở và tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí là tấm gương về lòng dũng cảm, kiên quyết và sáng tạo trong chiến đấu. Sau ngày giải phóng, tên đồng chí Nguyễn Hùng Phước được đặt cho một con đường ở nội ô thị xã Sóc Trăng.

    Đường Nguyễn Hùng Phước hiện nay nằm trên địa bàn Khóm 1, Phường 1, thành phố Sóc Trăng, dài 180m, bắt đầu từ đường Phan Châu Trinh và kết thúc là đường Nguyễn Văn Trỗi, đường lưu thông hai chiều, mặt lộ rộng 4,5m. Đường được đặt theo tên anh Nguyễn Hùng Phước từ năm 1976.


Bảng chỉ dẫn tên đường Nguyễn Hùng Phước

    Nguyễn Hùng Phước sinh ngày 10/10/1920 tại làng An Hòa Đông, quận Cái Tàu Hạ, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân nghèo giàu truyền thống cách mạng. Năm 10 tuổi, Nguyễn Hùng Phước theo gia đình đến định cư ở làng Tân An, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Nguyễn Hùng Phước và người anh ruột tên Nguyễn Hùng Minh được cha mẹ cho đi học nghề sửa máy nổ và sau đó làm công nhân cho một xưởng máy tàu ở Cần Thơ.

    Được anh hai Nguyễn Hùng Minh dìu dắt, năm 16 tuổi Nguyễn Hùng Phước  tham gia cách mạng và đến năm 17 tuổi được kết nạp vào Đảng. Từ năm 1939 đến cuối năm 1941, do bị lộ nên Nguyễn Hùng Phước được tổ chức điều động hoạt động ở nhiều nơi, như Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sài Gòn - Gia Định. Đầu năm 1942, Nguyễn Hùng Phước bị địch bắt, kết án tù chung thân khổ sai và đày đi Côn Đảo.

    Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tỉnh Sóc Trăng vinh dự được Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ giao nhiệm vụ tổ chức đón rước các đồng chí tù chính trị Côn Đảo về đất liền. Nguyễn Hùng Phước cùng người anh ruột là đồng chí Nguyễn Hùng Minh trực tiếp cùng Bác Tôn Đức Thắng thay nhau lái chiếc xà lúp từ Côn Đảo về đất liền Sóc Trăng trong giông tố của biển khơi.

    Nguyễn Hùng Phước được phân công về tỉnh Cần Thơ công tác. Trong lần tham gia chiến đấu ở mặt trận Cái Răng, đồng chí  bị thương và được đưa về Sóc Trăng điều trị. Sau khi bình phục, Nguyễn Hùng Phước được điều động về tỉnh Sóc Trăng và được phân công chỉ huy Đơn vị Quốc vệ đội[2].

    Ngày 04/01/1946, quân Pháp tiến đánh tỉnh lỵ Sóc Trăng. Đơn vị Quốc vệ đội do đồng chí Nguyễn Hùng Phước chỉ huy chặn đánh địch ở mặt trận Vườn Xoài, sau đó rút về mặt trận Cầu Đen, Bố Thảo. Tại mặt trận Cầu Đen, đồng chí Nguyễn Hùng Phước được phân công làm nhiệm vụ Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh. Cũng từ đây, tài năng của đồng chí Nguyễn Hùng Phước được thể hiện một cách rõ nét nhất. Chính Nguyễn Hùng Phước là người đề xuất và áp dụng sáng kiến đánh địch bằng “Hóa trang kỳ tập” - một cách đánh táo bạo. Với dáng người cao, to, da trắng, mũi cao, Nguyễn Hùng Phước nhiều lần giả tây để đánh đồn, giả làm quan lớn để chặn ghe tàu của địch tra hỏi, khám xét và chuẩn bị sẵn kế hoạch đánh úp, tiêu diệt chúng nhanh gọn. Ngoài ra, những trận phục kích đánh tiêu diệt địch do đồng chí chỉ huy đều diễn ra nhanh gọn, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

    Với phương châm “Tiến công là cách phòng ngự hay nhất”, thời gian ở mặt trận Bố Thảo, nắm được tin thực dân Pháp vừa mới tổ chức ban hội tề ở làng An Ninh[3], Nguyễn Hùng Phước thành lập tổ vũ trang do đồng chí chỉ huy, đóng giả là lực lượng địch đi tuần tra ở Nhà việc làng An Ninh. Tổ vũ trang bắt trói 2 tên lính, thu 2 khẩu súng và khoảng 100 viên đạn, đốt toàn bộ hồ sơ giấy tờ, sau đó phóng thích 2 tên lính và rút về Bố Thảo an toàn. Thắng lợi của trận đánh là niềm động viên, khích lệ rất lớn đến tinh thần của quân dân tỉnh Sóc Trăng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

    Sau khi mặt trận Nhu Gia bị vỡ, đồng chí Nguyễn Hùng Phước cùng đơn vị được lệnh rút về Phước Long và sau đó đóng tại căn cứ Ngan Dừa. Đến trung tuần tháng 3/1946, các đoàn cán bộ tỉnh Sóc Trăng và lực lượng vũ trang lần lượt trở về địa phương, lãnh đạo nhân dân kháng chiến.

    Đoàn lực lượng vũ trang do đồng chí Nguyễn Hùng Phước chỉ huy đi theo đường Long Mỹ, qua lộ Trà Ban, đến Phương Phú rồi về Trà Cú Cạn (thuộc làng Mỹ Tú, quận Châu Thành, nay thuộc xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú), là nơi đã hẹn trước với Đoàn cán bộ Dân Chính Đảng. Trong cuộc hành trình ngắn ngủi này, đơn vị vũ trang đã lập được hàng loạt chiến công vang dội trong công tác diệt tề, trừ gian, lấy vũ khí của địch để đánh địch, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng ở địa phương phát triển. Chỉ trong 8 ngày (từ ngày 23 - 31/3/1946), dưới sự chỉ huy mưu trí, dũng cảm của đồng chí Nguyễn Hùng Phước, đội vũ trang đã tiêu diệt 14 tên địch, trong đó có 2 tên Pháp, thu được 2 trung liên, 1 tiểu liên, 10 súng trường Anh, 12 quả lựu đạn và gần 1.000 viên đạn. Số vũ khí trên rất quan trọng để trang bị cho lực lượng vũ trang trong buổi đầu kháng chiến còn nhiều khó khăn. Liên tiếp các tin thắng trận của đơn vị vũ trang được báo cáo về Bộ Tư lệnh Khu 9 và được thông báo khắp nơi, vì đây là những trận đánh giành thắng lợi đầu tiên của Khu 9.

    Trung tuần tháng 4/1946, lực lượng vũ trang tỉnh do đồng chí Nguyễn Hùng Phước phụ trách được phân công về quận Long Phú và quận Kế Sách hoạt động. Tại những nơi này, đơn vị vũ trang tiếp tục lập được nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu là trận phục kích ở cầu Tân Thạnh (quận Long Phú) vào ngày 10/5/1946, đánh 2 xe địch đi phát lương; trận phục kích đánh đồn Bến Đổi (thuộc làng Ba Trinh, nay thuộc xã Trinh Phú, huyện Kế Sách) vào giữa tháng 6/1946. Kết quả 2 trận đánh đã tiêu diệt hàng chục tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược. Sau mỗi trận đánh, đơn vị đều tổ chức nhiều đợt vũ trang tuyên truyền, phát huy thanh thế cách mạng, giải tán bọn tề, tạo điều kiện để nhân dân địa phương khôi phục kháng chiến. Lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc không ngừng phát triển và lớn mạnh, quân số lên đến gần một đại đội, được trang bị vũ khí hiện đại.


Toàn cảnh đường Nguyễn Hùng Phước

    Cuối tháng 6/1946, đồng chí Nguyễn Hùng Phước cùng đơn vị vũ trang được lệnh triệu tập về Bộ Tư lệnh Khu 9[4]. Trên đường hành quân, Nguyễn Hùng Phước và các chiến sĩ được nhân dân hoan nghênh chào đón. Bởi vì, từ ngày thực dân Pháp tái chiếm, nhân dân chưa thấy đơn vị vũ trang nào có vũ khí mạnh như thế. Tuy là trên đường về Khu 9 nhưng được coi như là một cuộc vũ trang tuyên truyền. Nhân dân tự hào về bộ đội Nguyễn Hùng Phước, còn bọn địch kinh hoàng khiếp sợ, gọi Nguyễn Hùng Phước là Hùm xám miền Tây.

    Tại căn cứ Khu 9, Bộ Tư lệnh tổ chức mít tinh, biểu dương thành tích của Bộ đội tỉnh Sóc Trăng và công bố quyết định thành lập Đại đội Bộ đội chủ lực danh dự Hồ Chí Minh lưu động toàn Khu (gọi tắt là Bộ đội Hồ Chí Minh), do đồng chí Nguyễn Hùng Phước làm Đại đội trưởng. Cũng trong dịp này, đồng chí Phan Trọng Tuệ, Chính ủy Khu 9 trao khẩu súng Thompson mà Bác Hồ gửi tặng riêng cho đồng chí Nguyễn Hùng Phước.

    Cuối tháng 9/1946, đồng chí Nguyễn Hùng Phước được bổ sung vào Tỉnh ủy Sóc Trăng, phụ trách quân sự. Sau đó đồng chí được điều động về Khu 9, bổ nhiệm làm Khu Bộ phó.

    Tháng 11/1946, đồng chí Nguyễn Hùng Phước được phân công đưa một trung đội vận chuyển vũ khí Trung ương cấp cho Khu 9. Trên đường về, đồng chí cho ém cất vũ khí tại Giồng Sao và tổ chức đánh đồn Ngã tư Nhà Đài (thuộc quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Trong cuộc chiến đấu đó, đồng chí Nguyễn Hùng Phước không may bị thương nặng, khi trận đánh đồn kết thúc cũng là lúc đồng chí trút hơi thở cuối cùng. Đồng chí Nguyễn Hùng Phước hy sinh ngày 23/11/1946, khi mới 26 tuổi.

    Đồng chí Nguyễn Hùng Phước đã được phong tặng và truy tặng các phần thưởng và danh hiệu cao quý, như: Huân chương Chiến công hạng Ba; Chiến sĩ thi đua cấp quân khu và cấp tỉnh; Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

    Đồng chí Nguyễn Hùng Phước đã thực hiện lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trở thành tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Để tri ân người chỉ huy quân sự tài ba, đồng thời nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng địa phương, nhất là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, năm 1976 các đồng chí lãnh đạo những ngành chức năng ở thị xã Sóc Trăng quyết định đổi tên đường Gia Long ở khu vực chợ Sóc Trăng thành đường Nguyễn Hùng Phước cho đến nay.

Thanh Hà


 


[1]  Quốc gia tự vệ cuộc là đơn vị tiền thân của Công an tỉnh Sóc Trăng.

[2]  Quốc vệ đội là đơn vị tiền thân của Tỉnh Đội Sóc Trăng.

[3]  Ở Ngã ba An Trạch hiện nay.

[4]  Thời gian này Bộ Tư lệnh Khu 9 đóng ở Cái Sắn, làng Biển Bạch, quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu. 



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 100
  • Hôm nay: 7049
  • Trong tuần: 77,756
  • Tất cả: 11,801,076